[Nên hay không nên] Tự nặn mụn tại nhà
Trong bài viết này, Goodhealth Vietnam sẽ chia sẻ cách nặn mụn đúng kỹ thuật để bạn áp dụng nếu có nhu cầu nặn mụn tại nhà. Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng thủ thuật sẽ được thực hiện an toàn nhất bởi bác sĩ da liễu và trong môi trường vô trùng.
Các loại mụn thường gặp
Mụn trứng cá thường liên quan đến sự thay đổi nồng độ hormone trong giai đoạn tuổi dậy thì, nhưng có thể bắt đầu ở mọi lứa tuổi. Một số hormone làm cho da tiết bã nhờn nhiều hơn so với bình thường bên cạnh các nang lông trên da (bã nhờn bất thường). Bã nhờn bất thường này làm thay đổi hoạt động của một loại vi khuẩn da thường vô hại có tên là P. acnes, và gây ra tình trạng viêm và mủ.
Các hormone cũng làm dày lớp lót bên trong của nang lông, gây tắc nghẽn lỗ chân lông. Làm sạch da thông thường không giúp loại bỏ tắc nghẽn này. Ngoài ra cũng có các lý do gây mụn khác như: dị ứng, ngoại vi khuẩn xâm nhập, thừa dầu trên da.
Dưới đây là ba loại mụn trứng cá phổ biến:
Mụn đầu đen
Mụn đầu đen là tình trạng lỗ chân lông mở bị tắc nghẽn bởi dầu và tế bào chết. Dầu và các tế bào chết che phủ lỗ chân lông của bạn và chuyển sang màu đen khi tiếp xúc với không khí, khiến mụn đầu đen có màu đen đặc trưng.
Mụn đầu trắng
Mụn đầu trắng tương tự như mụn đầu đen, nhưng chúng được bao phủ bởi làn da của bạn. Bạn có thể thấy một mảng da bao phủ đầu trắng, cứng đang làm tắc nghẽn lỗ chân lông của bạn.
Mụn mủ
Mụn mủ là là một loại mụn viêm, nang mụn sâu hơn, khó nặn hơn. Chúng thường có màu đỏ và viêm. Mụn mủ có thể do dị ứng, nội tiết tố, vi khuẩn hoặc một tình trạng da khác.
Khi lỗ chân lông bị tắc hoặc mụn hình thành dưới da, các nang lông của có thể chứa mủ hoặc bã nhờn. Đến một thời điểm mà ta thường gọi là “mụn chín”, nang lông mở ra và nhân mụn được thoát khỏi sự tắc nghẽn lỗ chân lông và sau đó bắt đầu quá trình phục hồi và tái tạo lại của làn da.
Đây là cơ chế tự nhiên của cơ thể để giải quyết các lỗ chân lông bị tắc và mụn trứng cá. Như vậy, nếu bạn tự nặn mụn, bạn đã cắt ngang vào quá trình da tự phục hồi, và loại bỏ mụn sớm hơn, cũng như da sẽ bắt đầu quá trình tái tạo da sớm hơn. Tuy nhiên, kết quả của việc nặn mụn không phải lúc nào cũng như mong muốn, chúng mang rất nhiều rủi ro đi kèm.
Có nên tự nặn mụn tại nhà không?
Theo nguyên tắc chung, bạn không bao giờ được tự nặn mụn.
Nếu bạn cố nặn mụn và khiến hàng rào bảo vệ da bị phá vỡ, bạn có nguy cơ bị sẹo mụn vĩnh viễn. Nếu mụn của bạn có chứa mủ bị nhiễm trùng, việc nặn mụn có thể khiến vi khuẩn lây lan sang các lỗ chân lông và nang lông khác, đồng thời tạo ra ổ mụn lớn hơn.
Việc nặn mụn cũng có thể làm trì hoãn quá trình chữa lành tự nhiên của cơ thể, có nghĩa là việc bạn nặn mụn sẽ khiến mụn biến mất ngay thời điểm đó nhưng nó cũng có thể sẽ khiến bạn bị mụn lâu hơn.
Nếu bạn cố gắng nặn mụn mà không được, bạn có thể đã đẩy chất chứa trong mụn xuống sâu hơn bên dưới lớp da. Điều này có thể làm tình trạng tắc nghẽn lỗ chân lông của bạn tệ hơn, làm cho mụn nổi nhiều hơn hoặc gây viêm dưới da của bạn.
Tuy sự thật này có thể người nhiều đã biết, nhưng vẫn không thể cưỡng lại sự cám dỗ của việc nặn mụn ngay khi thấy mụn đầu trắng xuất hiện.
Nếu tình trạng mụn trên da bạn không quá nghiêm trọng và bạn vẫn mong muốn nặn mụn thì hãy tham khảo các bước dưới đây để đảm bảo đúng kỹ thuật và có kết quả tốt nhất.
Lưu ý khi nặn mụn an toàn tại nhà
Nặn mụn đầu đen
Bạn có thể thoa thuốc bôi không kê đơn như axit salicylic hoặc benzoyl peroxide lên mụn đầu đen để nới lỏng nốt mụn trước khi tiến hành nặn mụn.
Rửa tay thật sạch, sau đó dùng ngón tay ấn vào hai bên lỗ chân lông bị tắc. Để an toàn hơn, bạn có thể sử dụng tăm bông y tế để nặn mụn, tuy nhiên cách này có thể sẽ khó hơn so với việc dùng tay. Với một chút áp lực, mụn đầu đen sẽ bật ra.
Nặn mụn đầu trắng
Khử trùng kim bằng cồn và châm nhẹ vào vùng da bị tắc lỗ chân lông. Sau đó, thực hiện lấy mụn đầu trắng giống như cách bạn làm với mụn đầu đen. Rửa tay thật sạch, dùng lực ấn vào cả hai bên của lỗ chân lông bị tắc để lấy hết nhân mụn ra.
Hay nhớ sử dụng sản phẩm làm se khít lỗ chân lông hoặc thuốc trị mụn không kê đơn để không để lại sẹo mụn.
Cách xử lý mụn mủ
Mụn mủ nằm sâu bên dưới các lớp da và rất khó lấy ra. Bạn nên sử dụng một miếng gạc ấm để mở lỗ chân lông và đưa nhân mụn từ từ ra khỏi bề mặt da.
Tuy nhiên, nhìn chung, tốt nhất bạn không nên cố gắng tự nặn mụn mủ vì rất có thể sẽ không lấy hết được nhân mụn khiến mụn tái đi tái lại và nhiễm trùng nặng. Thay vì nặn mụn, một số loại thuốc trị mụn không kê đơn có thể giúp da tự hết mụn nhanh hơn
Các biện pháp loại bỏ mụn thay vì nặn mụn
Theo Healthline, nặn mụn không phải cách duy nhất để bạn loại bỏ những chiếc mụn. Dưới đây là một vài biện pháp bạn có thể tham khảo
- Sử dụng các sản phẩm trị mụn không kê đơn có chứa axit salicylic hoặc benzoyl peroxide hàng ngày để làm sạch mụn và làm thông thoáng lỗ chân lông.
- Có thể dùng một miếng gạc lạnh hoặc nước đá để giảm đau và sưng tấy do u nang, nốt sần và mụn mủ.
- Chườm ấm hoặc xông mặt sau khi rửa mặt để làm loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn và tăng tốc độ chữa lành các lỗ chân lông bị tắc.
- Các chất làm trong tự nhiên như tinh dầu cây trà – hoạt động như tác nhân làm se để làm khô và loại bỏ tắc nghẽn do bã nhờn.
Những lưu ý để ngăn ngừa mụn
Để ngăn ngừa mụn tái phát, bạn nên chú ý một vài điều sau đây:
- Tuân thủ chế độ sinh hoạt điều trị mụn trứng cá.
- Hãy để những nốt mụn được phục hồi tự nhiên.
- Sử dụng sữa rửa mặt dịu nhẹ để rửa mặt hai lần mỗi ngày.
- Luôn làm sạch cơ thể và da mặt của bạn bằng xà phòng diệt khuẩn sau khi tập luyện.
- Tránh chạm tay lên mặt, đặc biệt là sau khi sử dụng các bề mặt dùng chung như ở trường học, nơi làm việc và trên các phương tiện giao thông công cộng.
Khi nào bạn cần thăm khám với bác sĩ?
Nếu mụn trên da bạn thường xuyên bùng phát một cách dày đặc, nhiều mụn nang gây đau đớn hoặc mụn trứng cá gần như không bao giờ biến mất, thì bạn nên thăm khám với bác sĩ da liễu để có phác đồ điều trị phù hợp.
Tình trạng da sau mụn có thể xuất hiện các vết sẹo hay vết thâm trên da mặt. Để khắc phục những vấn đề này, bác sĩ da liễu có thể giúp bạn lấy lại làn da khỏe mạnh nhanh hơn tự chăm sóc tại nhà.
Họ có thể kê đơn điều trị tại chỗ hoặc uống, liệu pháp tại phòng khám, thay đổi chế độ ăn uống hoặc lối sống hoặc kết hợp tất cả, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của mụn trứng cá của bạn.
Tiểu kết
Tự nặn mụn tại nhà luôn tiềm tàng những nguy cơ nhiễm trùng, gây sẹo và làm chậm lành vết thương hơn nếu bạn thực hiện không đúng kỹ thuật, hay chưa đảm bảo vệ sinh.
Hãy đảm bảo rửa tay thật sạch và tiệt trùng bất kỳ dụng cụ nào bạn dự định sử dụng để nặn mụn. Nếu tình trạng mụn của bạn ngày càng trở nặng, hãy thăm khám với bác sĩ để có phác đồ điều trị riêng, phù hợp với thể trạng và loại da của bạn.