7+ thói quen xấu đang giết chết sức khỏe của bạn

Nếu không giữ gìn, thì sức khỏe cũng sẽ rất nhanh bị bào mòn. Nhân tháng Sức khỏe, hãy cùng Goodhealth Việt Nam ngồi lại điểm mặt những thói quen xấu đang giết chết sức khỏe của bạn mỗi ngày để có thể phòng tránh nhé. 

1. Uống ít nước

Thiếu nước nhẹ có thể gây ảnh hưởng tới tâm trạng, giảm sức tập trung, dễ gây đau đầu, mệt mỏi và cơ thể không thể điều hòa thân nhiệt. Thiếu nước lâu sẽ làm chậm quá trình trao đổi chất, khiến bạn dễ tăng cân, đồng thời làm tăng nguy cơ bị đột quỵ, sỏi thận. 

Theo khuyến cáo (Webmd), trung bình, với mỗi 1kg cân nặng, chúng ta sẽ cần từ 32 tới 65ml nước mỗi ngày. Như vậy, 1 người với cân nặng từ 50kg sẽ cần từ 1,6 tới 3,2l nước mỗi ngày (qua cả thức ăn và nước uống). Nếu trời nóng và bạn mất nhiều mồ hôi thì lượng nước này sẽ cần tăng lên. Nếu trời lạnh và bạn không mất mồ hôi thì lượng nước có thể giảm đi. 

Con số 2 lít nước mỗi ngày là tương đối an toàn và phù hợp với đa phần mọi người. Tuy nhiên, bạn nên chú ý tới nhu cầu thực tế của cơ thể để bổ sung cho phù hợp. 

2. Lười vận động

Lối sống hiện đại khiến chúng ta thường xuyên bó hẹp mình trong 4 bức tường và ngày càng ít vận động hơn. Hệ quả là sức khỏe của cũng không ngừng đi xuống. Lười vận động làm tăng nguy cơ thừa cân, tiểu đường, các bệnh tim mạch và xương khớp… 

Do đó, việc dành thời gian vận động, tập luyện thể thao mỗi ngày là cực kỳ quan trọng. Thời gian tập luyện tối thiểu là 30 phút mỗi ngày với cường độ vừa phải. 

Nếu bạn không có nhiều thời gian tập luyện thì có thể chia nhỏ thành nhiều lần tập trong ngày. Ví dụ như 15 phút buổi sáng, 15 phút buổi trưa và 15 phút buổi chiều tối. 

3. Thức khuya

Thức khuya làm đảo lộn đồng hồ sinh học. Không chỉ vậy, việc ngủ muộn và ngủ quá ít khiến bạn bị thiếu ngủ, gây áp lực lên hệ thần kinh, tạo ra stress, giảm sức tập trung, mệt mỏi, giảm ham muốn tình dục. Thiếu ngủ lâu ngày làm tăng nguy cơ cao huyết áp, tiểu đường, đau tim, đột quỵ. 

Theo Cleveland Clinic, thời gian lý tưởng để bạn đi ngủ là 10 giờ tối. Thời gian ngủ mỗi đêm nên nằm trong khoảng từ 7 tới 9 tiếng. Nên lưu ý rằng ngủ quá ít hay quá nhiều đều không tốt cho sức khỏe bạn nhé. 

4. Đặt báo thức sai cách

Tiếng chuông báo thức inh ỏi, đột ngột và dồn dập vào buổi sáng có thể khiến huyết áp và nhịp tim tăng đột biến. Ngoài ra, việc bị đột ngột đánh thức khi đang ngủ sâu sẽ kích thích phản ứng tự vệ của cơ thể và làm adrenaline được tiết ra. Do đó, nhiều người khi thức dậy thường cảm thấy tim đập nhanh, sợ hãi, khó chịu, thậm chí là tiêu cực và bực bội ngay từ sáng sớm. 

Thay vì đi ngủ muộn và đặt báo thức sớm cố định. Bạn nên tính toán thời gian ngủ như sau:

Thời gian bắt đầu ngủ + (90 phút x “n”) + 14 phút = Thời gian thức giấc.

Trong đó, n từ 3 tới 6 là tốt nhất và đảm bảo bạn có một giấc ngủ đảm bảo cả về thời lượng và chất lượng.  

5. Bật dậy ngay sau khi tỉnh dậy

Khi chúng ta ngủ, lưu lượng máu lưu thông trong cơ thể sẽ chậm lại. Việc bật dậy ngay sau khi tỉnh dậy khiến cơ thể bị bất ngờ, điều phối lưu lượng máu bị khó khăn và khiến việc vận chuyển oxy lên não bị chậm lại. Do đó, một số người có thể thấy chóng mặt, hoa mắt, thậm chí là mất thăng bằng và ngã.

Với những người bị bệnh xương khớp, cố ngồi dậy quá nhanh và không đúng tư thế cũng là một điều không hề dễ dàng và có thể khiến các khớp xương thêm đau đớn. 

6. Tập thể dục buổi sáng quá sớm

Không như quan niệm truyền thống, tập thể dục vào buổi sáng quá sớm không thật sự tốt, đặc biệt là với người cao tuổi, người có bệnh tim mạch, người bị bệnh tiểu đường. Lý do là bởi:

  • Xương khớp chưa kịp khởi động, đang ở trạng thái nghỉ, dễ sinh chấn thương
  • Thay đổi nhiệt độ đột ngột, nhất là mùa đông, khiến cơ thể dễ bị shock nhiệt
  • Tập luyện khi bụng đói có thể khiến bạn kiệt sức

Ngoài ra, một số người còn lo ngại rằng không khí vào buổi sáng sớm thường không tốt và có thể gây hại cho phổi. Lý do là bởi ban đêm, không khí lạnh hơn, khiến khói bụi và các loại khí độc hạ thấp xuống mặt đất. Lớp không khí này sẽ chỉ tan dần khi được ánh nắng mặt trời hun nóng trong ngày. 

7. Tắm đêm

Theo cơ chế tự nhiên, nhiệt độ cơ thể sẽ giảm nhẹ khi chúng ta đi ngủ. Tuy nhiên, tắm nước nóng ngay trước khi đi ngủ sẽ làm tăng thân nhiệt và có thể khiến việc điều tiết giấc ngủ của cơ thể bị rối loạn, làm khó ngủ, ngủ không sâu giấc. 

Ngoài ra, thói quen để đầu ướt đi ngủ cũng dễ khiến bạn bị nhiễm lạnh, mệt mỏi và đau đầu. Chưa kể tới việc gia tăng nguy cơ bị nấm tóc, rụng tóc, gây mất thẩm mỹ về sau. 

8. Ăn đêm

Ăn đêm ngay trước khi đi ngủ khiến bạn nạp thêm 1 lượng năng lượng không thật sự cần thiết, do đó mà bạn dễ tăng cân hơn. Ăn quá no cũng thường gây ra cảm giác no đầy bụng, khiến nhiều người trằn trọc khó ngủ. 

Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại hơn là thói quen đi ngủ ngay sau khi ăn, bởi thói quen này có thể dễ dàng khiến bạn bị trào ngược trong khi ngủ. Trào ngược quá thường xuyên có thể gây tổn hại tới thực quản và làm gia tăng nguy cơ bị ung thư thực quản. 

Trên đây đều là những thói quen rất phổ biến, nhưng cũng đồng thời là những thói quen xấu, có thể gây tổn hại lên sức khỏe nếu duy trì trong thời gian quá dài. Để có 1 cuộc sống khỏe mạnh, hãy thay đổi ngay từ hôm nay bạn nhé. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Mua ngay
Email Us
1900.633.636